-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
2020-01-13
Từ 25 tháng 12 (hay còn gọi là tháng Chạp) trở đi, trong cái tiết trời se se lạnh các gia đình lại cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong để gói bánh. Bánh chưng, bánh tét không chỉ mang trong mình hương vị của ngày Tết cổ truyền mà gói trọn trong đó còn là những tinh hoa của nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc ta.
ảnh:kienthuccuocsong.info
Bắt nguồn từ thời Hùng Vương, gói bánh chứng bánh tét đã trở thành một trong những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian, vượt qua biết bao biến động thăng trầm trong lịch sử.
ảnh: zing.vn
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời Vua Hùng thứ 6, sau khi đã dẹp tan giặc Ân, nhà Vua có ý định truyền lại ngôi, nên muốn tìm một người con trai đủ đức, đủ tài. Nhân dịp đầu Xuân, Vua ban lệnh cho các hoàng tử mỗi người chuẩn bị một món ăn để dâng lên mâm cúng Tổ tiên. Món ăn nào vừa ngon lại có ý nghĩa nhất, thì Vua cha sẽ truyền ngôi lại cho người đó.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ để dâng lên nhà Vua. Duy chỉ có người con trai thứ 18, tên là Lang Liêu do mẹ chàng trước kia bị nhà Vua ghẻ lạnh nên chịu nhiều thiệt thỏi, sống cuộc sống lương thiện bằng lao động, nên chàng bối rối không biết phải chuẩn bị sản vật gì để dâng lên nhà Vua.
ảnh: google hình ảnh
Đêm hôm đó, Lang Liêu nằm mộng có vị Thần về chỉ bảo “Trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn chính nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng trưng cho Trời và Đất.” Lang Liêu tỉnh dậy vô cùng mừng rỡ, làm theo lời Thần mách bảo, chọn loại gạo nếp ngon nhất, gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, và giã gạo nặn thành loại bánh hình tròn, tượng trưng cho Trời. Bên ngoài bọc lá màu xanh tương trưng cho hình tượng của cha mẹ, luôn đùm bọc che chở cho con cái.
ảnh: báo đời sông và pháp luật
Ngày dâng mâm cỗ lên Vua, trong khi các anh dâng lên Vua toàn sơn hào hải vị thì Lang Liêu lại nổi bật với Bánh chưng, Bánh dày. Vua cha sau khi nghe ý nghĩa để làm nên hai loại bánh này thì rất hài lòng và quyết định truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Kể từ đó, gói bánh chưng bánh dày trở thành nét tinh hoa văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Việt.
Trải qua bề dày của lịch sử, theo chiều dọc của đất nước, do điều kiện địa lý và văn hóa giữa ba miền Bắc- Trung- Nam khác nhau nên bánh chưng ở mỗi miền lại mang những nét riêng.
Bánh chưng của miền Bắc được gói vuông vức, lá dong được rửa sạch kỹ từng tàu lá, xanh một màu tươi mới của mùa xuân. Gạo ngâm đãi thật kỹ, đỗ xanh vừa chín tới, thịt lợn nêm nếm đủ gia vị, 3 thứ ấy chính là “linh hồn” của chiếc bánh, là nguyên liệu chính để làm nên một cái Tết đủ đầy.
ảnh: google
Ngoài ra để phong phú hơn cho thực đơn ngày Tết thì ngày nay, người ta còn gói bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng cốm hay bánh chưng gấc đỏ…
ảnh: google
Riêng đối với người miền Nam lại có “món bánh chưng” riêng, được gọi là bánh tét. Từ xa xưa ông bà ta đã có câu “Bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Nam”, bánh tét là sự biến tấu từ bánh chưng của miền Bắc, tượng trưng cho người miền Nam hiền lành chân chất, đơn giản dễ chịu, không cầu kỳ như người miền Bắc. Nguyên liệu gói bánh tét thì giống với bánh chưng, nhưng thay vì gói vuông vức, người miền Nam lại gói bánh theo hình trụ dài, hay còn gọi là gói theo kiểu đòn, một phần bởi vì thời tiết ở đây nóng hơn ngoài Bắc nên nếu gói theo hình vuông thì bánh dễ bị mốc ở 4 góc.
ảnh: google
Bánh tét thường được gói với gạo nếp, đậu xanh, không có thịt hoặc ít thịt để có thể ăn sau Têt. Người dân hay dùng lá chuối thay cho lá dong. Bánh tét của người miền Nam cũng có nhiều loại khác nhau như bánh tét chay, bánh tét không nhân, hay bánh tét ngọt…
ảnh: google
Miền Trung lại là sự pha trộn tổng hòa giữa hai miền Nam- Bắc. Ngày Tết, người miền Trung thường gói cả hai loại bánh chưng, bánh tét.
ảnh: google
Bánh ở đây thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét thì giống với bánh của miền Nam nhưng chỉ dùng để ăn trong nhà, không dùng làm quà biếu như trong Nam. Người miền Trung quan niệm “đòn bánh tét” nghe như đòn roi nên họ không dùng bánh tét để làm quà tặng.
ảnh: google
Cứ như vậy, trải qua hàng ngàn năm nay, bánh chưng bánh tét vẫn là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau ngồi gói bánh chưng, các con vừa được cha mẹ, ông bà hướng dẫn gói bánh, vừa được nghe những câu truyện ngày xửa ngày xưa… Không thể quên có những đêm ngồi thức trông nồi bánh, cùng nhau kể chuyện, cùng vùi khoai trong tro bếp ấm hồng. Một nồi bánh chưng nóng hổi lan tỏa cùng tình yêu gia đình làm cho mùa đông cũng trở nên ấm áp, làm cho Tết trở nên đủ đầy.