-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
2022-06-05
Khác với ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 như ở Việt nam, ở Nhật Bản có một ngày lễ riêng rành cho thiếu nhi vào ngày 5/5 để cầu chúc cho tất cả trẻ em luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tết thiếu nhi ở Nhật Bản được gọi là “Kodomo no hi”. Trước đây theo truyền thống ở nước này, ngày của bé được tổ chức mỗi năm hai lần là vào ngày 3/3 dành cho các bé gái, và ngày 5/5 dành cho các bé trai. Tuy nhiên, vào năm 1948, chính phủ đã đổi tên và sử dụng cho toàn bộ trẻ nhỏ và tránh sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ tại Nhật Bản.
Biểu tượng được sử dụng là đèn lồng cá chép để treo trên các cột cao trước ban công hoặc ngoài sân nhà. Số lượng cá chép tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình, thông thường họ sẽ treo cá chép màu đen ở trên cùng tượng trưng cho người cha, tiếp đến là cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ, và cá chép màu xanh dương (theo truyền thống là dành cho con trai) hoặc những mầu sắc khác tượng trưng cho các bé trong gia đình.
Đèn lồng cá chép là biểu tượng không thể thiếu và cũng là quan trọng nhất trong ngày tết thiếu nhi của Nhật Bản. Hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm vượt thác dữ, khó khăn để đạt được những thành công trong cuộc sống, tục lệ treo cờ cá chép trong ngày Tết thiếu nhi của mỗi gia đình Nhật Bản cũng nhằm cầu mong cho các bé sự khỏe mạnh, thành công như cá chép.
Khi treo đèn lồng cá chép người Nhật thường treo nhiều đèn lồng trên một dây phơi. Nếu có ao nước người Nhật sẽ treo đèn gần mặt nước. Nếu treo đèn ở nhà riêng người Nhật sẽ dựng một cột đèn và treo dọc theo cột. Đôi khi do diện tích chật hẹp người Nhật chỉ có thể treo trên một chiếc gậy nhỏ và buộc lên cao.
Những chiếc đèn lồng cá chép được treo ngoài trời, đu đưa theo gió như những lá cờ. Khi gió thổi lên và không khí tràn ngập đầy miệng cá, bạn sẽ thấy chúng như đang bơi lội trong không trung vậy. Mọi người tin rằng cờ cá chép mang lại may mắn cho sự phát triển của trẻ em, vì việc cá chép bơi lên nguồn thượng lưu, vượt qua thác cao thể hiện cho sức mạnh và năng lượng.
Đèn lồng màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng, nước cũng là nơi bắt nguồn của mọi sự sống nên được chọn làm màu tượng trưng cho người cha được biết tới là “magoi” (真鯉) với tích cách trầm tĩnh, kiên nhẫn.
Đèn lồng màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu được chọn tượng trưng cho người mẹ (higoi, 緋鯉). Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ.
Ngoài ra, các gia đình còn trưng bày những con búp bê Kintarou – đây là một vị anh hùng thiếu nhi trong truyền thuyết Nhật Bản, nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ.
Bên cạnh đó, người dân Nhật còn làm bánh gạo nếp (gọi là bánh mochi) với đậu đỏ, bọc trong lá sồi (kashiwa) và bánh gạo nếp bọc lá tre (gọi là bánh chimaki). Cây sồi và cây tre cũng tượng trưng cho sức mạnh và một cuộc sống thành công.
Ngày trẻ em ở Nhật Bản được tổ chức như thế nào?
Để chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này, công tác tổ chức và chuẩn bị đã được thực hiện trước đó vài ngày, thậm chí là vài tuần. Những chiếc đèn lồng cá chép đặc trưng không chỉ được treo trước cửa mỗi gia đình, đầu ngõ, mà trên khắp các con phố đã “rợp” những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.