-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
2019-05-16
Vào mỗi dịp xuân sang tết đến bên cạnh việc du xuân đầu năm thăm viếng họ hàng, thì việc đến tại một số điểm văn hóa như chùa, đình là nơi lựa chọn của nhiều người. Tại Văn miếu quốc tử giám ở Hà nội, là một địa điểm văn hóa tâm linh được nhiều người dân ghé thăm nhân dịp đầu năm, nơi đây thường được tổ chức viết chữ thư pháp cho các du khách có nhu cầu khi họ ghé thăm nơi này để mang về treo trong nhà hoặc tặng người thân.
Nghệ thuật thư pháp là một loại hình nghệ thuật viết chữ cách điệu, trở thành những hình tượng nghệ thuật thể hiện những ý tứ sâu xa của tác giả. Nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha ta. Xưa kia, người Việt thường sử dụng chữ Hán, sau đó là chữ Hán Nôm làm chữ viết chính thống. Từ những năm đầu thế kỷ XX người ta chuyển sang viết thư pháp bằng chữ Quốc Ngữ.
Nghệ thuật thư pháp Việt có mặt ở khắp nơi và được ứng dụng nhiều như thiệp chúc mừng năm mới, lịch, tranh thư pháp.. và ngoài chất liệu truyền thống là giấy thì các nhà thư pháp còn thể hiện cả trên các chất liệu khác như vải, gỗ, đá, gốm sứ.
Theo một số nhà thư pháp tại Việt Nam, thư pháp Việt có sức sáng tạo lớn bằng việc sử dụng những hình ảnh, hình tượng để có thêm ý nghĩa cho chữ. Viết chữ thư pháp Việt phải có kỹ thuật của thư pháp truyền thống kết hợp với nghệ thuật viết chữ đẹp để mang lại giá trị thẩm mỹ cũng như ý nghĩa. Trong thư pháp Việt ngữ hiện nay có 5 kiểu chữ chính là chân phương (còn gọi là chân tự), cách điệu (biến tự), cá biệt (cuồng thảo), mô phỏng và mộc bản.
Muốn có một chữ đẹp được nhiều người ưa thích, người viết phải thể hiện được cái "thần" trong từng nét chữ. Không chỉ đơn thuần là những ký tự, thư pháp Việt mang âm hưởng nguồn cội, truyền tải các giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc.
Thư pháp Việt đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đây là một nét đẹp trong văn hóa đời sống tinh thần độc đáo đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp
Xem thêm thiệp nổi nét văn hóa Việt Nam