2019-05-16

Đêm 30 tết là khoảnh khắc giao thời thiêng liêng đối với từng gia đình, nơi sum họp và cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa đối với người Châu Á. Trái lại, đối với người châu Âu thì họ thường sum họp cùng gia đình vào dịp ngày lễ giáng sinh, còn đêm giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới.

Riêng đối với người Nhật thường đi chơi Giáng sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình. Tại Việt Nam ta trong một vài năm gần đây, các bạn trẻ cũng thường đón giáng sinh cũng như Năm mới ở một số địa điểm công cộng, nhất là các khu vực diễn ra lễ giáng sinh hoặc bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Người Nhật đón Tết bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 dương lịch. Tết ở Nhật thể hiện rõ nét những tinh hoa văn hóa của quốc gia và cho đến bây giờ vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc từ thời xa xưa. Từ những món ăn cho đến các hoạt động ngày Tết, tất cả đều mang ý nghĩa sâu xa và thú vị.

Trên bàn ăn ở các gia đình Nhật Bản những ngày này thường không thể thiếu các loại bánh làm từ gạo (tiếng Nhật gọi là omochi), các món ăn chế biến từ cá và hải sản… Các đồ ăn được từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt và phát triển trí tuệ như món “Kagamimochi” Mâm bánh dày - Mochi cùng một quả quýt Nhật - Mikan bên trên là món được dùng để cúng lễ trong đêm giao thừa. Khi các vị Thần ngự trong nhà vào dịp đầu năm, tuyệt đối không được ăn chiếc bánh dày dùng để mời Thần linh - Kagamimochi. Việc thưởng thức Kagamimochi sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”.

Người Nhật thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày (lúc này còn cứng) rồi cho vào món súp Ozoni hay Shiruko - món chè đậu đỏ ăn kèm bánh dày. Món mì trường thọ - “Toshikoshi Soba” - là một đặc trưng vào đêm Omisoka. Cũng có gia đình ăn mì trường thọ trong bữa tối, nhưng cũng có gia đình ăn sau khi dùng bữa tối với Sushi mới thưởng thức Toshikoshi Soba trong tiếng chuông chùa điểm 108 hồi.

Ngày 1/1 được gọi là “Gantan” và là ngày bắt đầu năm mới ở Nhật. Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là “San ga Nichi” và là ngày nghỉ Tết của nhiều Doanh nghiệp và cửa hàng. Tùy vào từng địa phương mà thời gian nghỉ tết có thể khác nhau “Matsu no Uchi” vid dụ như Tết ở những vùng gần Tokyo kéo dài đến ngày 7/1, còn những vùng gần Osaka kéo dài đến ngày 15/1.

Cũng giống nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… người Nhật thường đi lễ chùa cầu may mắn, tốt lành cho năm mới. Phong tục này trong tiếng Nhật gọi là “hatsumode”. Người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt của năm đó. 

Đây là chuyến viếng thăm Thần điện đầu tiên trong một năm để cầu mong sự bình an và hạnh phúc cho năm đó. Có nhiều người khởi hành từ tối hôm 31 và viếng Thần điện vào ngay thời khắc giao thừa, nhưng cũng có người khoảng trưa chiều ngày 1 mới thư thả đi cầu phúc. Vào dịp này, Thần điện nào cũng đông đúc, nhất là những Thần điện nổi tiếng ở Asakusa hay Kyoto, các đoàn người xếp thành hàng dài nối đuôi nhau vào điện Thần. Tiền dâng hương thường là đồng 5 yên, vì phát âm là “Go en”, đồng âm với chữ “Duyên” hay “May mắn”.

Trước khi đi lễ phải rửa tay và súc miệng sạch sẽ. Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ sẽ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần, rồi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Người Nhật thường bỏ tiền ra để rút quẻ hoặc mua một mũi tên thần nhằm cầu mong được thần Phật phù hộ độ trì một năm mới bình an, phát đạt.

Tiếp sau buổi đi lễ, họ có thể đến nhà nhau để chúc tết. Trong các ngày mồng một, hai và ba, người Nhật thực hiện các cuộc thăm viếng đầu xuân. Họ tới chúc tết các cấp trên ở công ty mình, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng.

Thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc tết ghi lại tên hoặc lưu danh thiếp lại thông báo đã tới thăm nhà. Hoặc có nhiều người khách sẽ mang theo nhiều khăn tay nhỏ đề tên mình để tặng chủ nhà làm kỷ niệm.

Người dân nhật bản cũng quan niệm giấc mơ vào đêm ngày đầu tiên đến sáng ngày 2 được gọi là “Hatsuyume” được cho là sẽ báo trước những điềm lành hoặc dữ trong một năm tới. Nếu mơ thấy “Ichi Fuji Ni Taka San Nasubi”, có nghĩa là “Nhất Phú Sĩ - Nhì đại bàng - Ba cà tím”, thì bạn sẽ gặp may mắn cả năm. Trong tiếng Nhật, núi Phú Sĩ đồng âm với từ “Trường thọ”, đại bàng là “Thành công” còn cà tím là “Con cháu đầy đàn”.

Oshogatsu là khoảng thời gian yêu thích của trẻ con Nhật Bản vì các em sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi của người lớn dành cho trẻ nhỏ trong tiếng Nhật là “Otoshidama”, từ này xuất phát từ ý nghĩa chỉ sức mạnh của vị thần Toshigamisama. Nhưng đồng tiền lì xì được đựng trong phong bao lì xì rất dễ thương gọi là “Pochibukuro”

Trong dịp Oshogatsu trẻ em thường chơi các trò như đánh cầu, thả diều. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay trẻ em Nhật không mấy khi chơi đánh cầu, thả diều… vốn là những trò chơi truyền thống mang niềm tự hào của nước Nhật vào dịp Oshogatsu nữa.

Tại Việt nam chúng ta, ngày nay những trò chơi như đánh đu, đánh đáo, đánh cù nhảy dây, bắn bi, chơi ô ăn quan v.v là những trò chơi truyền thống ngày xưa, mà trẻ em ngày nay cũng không còn mấy chơi. Chỉ có 1 số lễ hội vào ngày đầu năm vẫn duy trì và tổ chức  các trò chơi dân gian như đánh đu, thả diều, ném còn v.v


Tham khảo từ nguồn: kilala.vn, duhocnhatban.edu.vn và một số hình ảnh từ các trang khác

popup

Số lượng:

Tổng tiền: